Khi hệ thống tự bảo vệ dạ dày hoạt động không hiệu quả sẽ gây nên tình trạng thừa hay thiếu axit dạ dày và từ đó dẫn đến nhiều ảnh hưởng tới sức khoẻ của hệ tiêu hoá. Bài viết này sẽ cung cấp thêm các thông tin giúp bạn hiểu và cải thiện được tình trạng thiếu axit dạ dày.
Nội dung bài viết
1. Axit dạ dày và cơ chế hình thành
Axit dạ dày có tên acid clohydric khi ở trạng thái cân bằng thì nồng độ của axit thường trong khoảng từ 0,0001 đến 0,001 mol/l. Chỉ số này cao hoặc thấp sẽ báo hiệu những ảnh hưởng bất thường tới sức khoẻ của hệ tiêu hoá.
Axit dạ dày đóng vai trò quan trọng đối với hệ tiêu hoá và được coi như chất dịch tiêu hoá được tiết ra từ niêm mạc dạ dày khi các tế bào oxyntic hình thành chlohydric góp phần vào quá trình tạo thành dịch vị dạ dày.
Dạ dày sẽ tiết dịch theo một quá trình gồm có 3 giai đoạn tương ứng với hoạt động tiêu hoá thức ăn trong cơ thể:
- Cephalic: Quá trình được thực hiện sau khi tiếp nhận mùi vị của thức ăn đi vào dạ dày, tiếp đó dây thần kinh phế vị ở tiểu não và cuống não sẽ được kích thích bởi tác động này và truyền tín hiệu về hệ thần kinh trung ương. Bộ não sẽ thực hiện việc chỉ đạo quá trình hoạt động tiết dịch vị acid với khoảng 30% chất này được sản sinh và sẵn sàng tham gia vào quá trình tiêu hoá thức ăn.
- Khi thức ăn bắt đầu được tiêu hoá ở dạ dày, acid trong dạ dày tiếp tục được kích thích để tiết ra khoảng 60% với các hoạt động co bóp và nghiền nhỏ thức ăn.
- Khi thức ăn đã được tiêu hoá chuyển đến ruột thì lúc này hầu như thức ăn đã được nghiền hết và chuyển xuống ruột với khoảng 10% dịch vị còn lại được tiết ra.
Trong suốt quá trình tiêu hoá thức ăn, acid dạ dày liên tục được tiết ra và được đảm nhiệm vai trò quan trọng giúp tiêu hoá được toàn bộ thức ăn. Tuy nhiên, lượng acid ở dạ dày chỉ được tiết ở mức vừa đủ để đảm bảo dịch vị trong trạng thái cân bằng.
2. Vai trò của acid dạ dày đối với hệ tiêu hoá
Acid trong dạ dày sẽ giúp chuyển hóa thức ăn ở dạ dày và ruột. Sau khi được niêm mạc dạ dày tiết ra, lượng acid trong dạ dày sẽ cùng với enzyme tiêu hoá tham gia vào các hoạt động co bóp và nghiền nát thức ăn. Nhờ đó, đầy nhanh các giai đoạn tiêu hoá thức ăn cũng như giúp bảo vệ tối đa chức năng của dạ dày.
Acid dạ dày còn giúp tăng sinh pepsin – chất xúc tác hỗ trợ quá trình chuyển hóa thức ăn, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Các loại acid này giúp kích thích và hình thành cũng như làm tăng hoạt tính của pepsin. Quá trình sản sinh pepsin chỉ diễn ra khi acid dạ dày đảm nhận các chức năng như:
- Tạo môi trường pH cho pepsin hoạt động;
- Hoạt hoá Pepsinogen;
- Phá bỏ mô liên kết quanh khối cơ nhằm giải phóng pepsin và phân giải peptid;
- Cắt đứt chuỗi protein và phá vỡ liên kết của thức ăn giúp cơ thể có khả năng hấp thu chất dinh dưỡng từ thực phẩm được nhanh hơn.
Hoạt động của quá trình tiêu hoá thức ăn được hỗ trợ bởi acid dạ dày và tham gia trực tiếp vào quá trình trung hoà các muối khó tan trước khi cơ thể hấp thụ. Đồng thời, nó cũng đóng vai trò như chất xúc tác cho các phản ứng thuỷ phân, giúp đường, tinh bột, chất đạm chuyển hoá thành đơn chất để cơ thể dễ hấp thu.
Acid hỗ trợ sát khuẩn đường ruột, nhờ có sự xuất hiện của acid trong dạ dày sẽ làm cho các loại vi khuẩn có hại trong thức ăn bị tiêu diệt và không thể tấn công cũng như tổn thương cho các cơ quan này.
3. Thiếu axit dạ dày gây ra các triệu chứng gì?
Thiếu axit dạ dày xảy ra khi nồng độ pH lớn hơn 4.5. Với lượng acid của dạ dày ít hơn chỉ số cơ bản sẽ phản ánh sự bất thường của hệ tiêu hoá. Một số dấu hiệu giúp nhận biết hiện tượng giảm axit dạ dày đi kèm với các triệu chứng như:
- Đầy hơi hoặc ợ hơi, đặc biệt với sự xuất hiện của tình trạng này sau 60 phút sử dụng thức ăn: Nguyên nhân gây ra triệu chứng này là do thiếu axit dạ dày để tiêu hoá thực phẩm khiến cho thực phẩm nằm trong dạ dày với thời gian lâu hơn, khi đó những loại thực phẩm này có thể lên men và sinh hơi dẫn đến cảm giác đầy bụng sau bữa ăn.
- Trào ngược acid nhưng không phải do acid: Trong trường hợp bình thường, các cơ vòng nằm giữa thực quản dạ dày sẽ mở khi thức ăn được nuốt vào và cho phép thức ăn đi vào dạ dày, sau đó sẽ đóng chặt lại để bảo vệ thực quản. Sự tích tụ khí trong dạ dày có thể tạo nên áp lực lên các cơ vòng khiến cho van mở không đúng thời điểm. Khi đó, acid trào ngược lên thực quản cùng với các phần thức ăn chưa được tiêu hoá hết.
- Hôi miệng cũng được biết đến với kết quả của quá trình lên men vi khuẩn trong dạ dày.
- Đi ngoài phân sống cũng cho thấy dạ dày bị thiếu acid chuyển hóa thức ăn và thường khi ăn thịt sẽ gặp trường hợp này.
- Dù no nhưng vẫn thèm ăn và cảm giác đói này do cơ thể không nhận được chất dinh dưỡng từ thức ăn được nạp vào cơ thể.
Những người cao tuổi là đối tượng thường dễ gặp tình trạng thiếu axit dạ dày. Các hợp chất vitamin B1, B6, kẽm thường được xem như nguyên liệu cần thiết trong quá trình sản xuất acid dạ dày. Khi 3 chất này không được cung cấp đầy đủ cho cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng dạ dày không tiết dịch tiêu hoá thức ăn. Những người bị mất nước mãn tính cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân thiếu acid dạ dày. Hay những người theo chế độ ăn ít muối khiến cho cơ thể thiếu natri clorua…
4. Cách cải thiện tình trạng thiếu axit dạ dày
Khi chúng ta xác định được rõ nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu dịch vị dạ dày thì có thể áp dụng một số cách sau để cải thiện các triệu chứng:
- Ăn các loại rau chế biến lên men bao gồm dưa cải muối chua, kim chi,… hay những sản phẩm lên men khác sẽ giúp điều chỉnh nồng độ acid trong dạ dày. Rau lên men chứa Probiotics giúp ức chế hiệu quả vi khuẩn H.pylori, sản xuất một số vitamin cần thiết mà cơ thể không thể tổng hợp được;
- Tăng cường bổ sung kẽm để kích hoạt dạ dày sản xuất acid. Đồng thời, có thể sử dụng các loại thực phẩm giàu kẽm như thịt gà, bí ngô, thịt bò, cua, cá hồi, tôm hùm… Các sản phẩm lên men như sữa chua, phô mai… cũng giúp bổ sung kẽm cho cơ thể;
- Không ăn thức ăn trước khi đi ngủ, không được nằm ngay sau khi ăn hoặc không ăn vặt giữa các bữa ăn để cải thiện hệ tiêu hoá.
- Tránh sử dụng nước lạnh khi ăn vì có thể làm giảm khả năng sản xuất acid của dạ dày và làm chậm lại quá trình tiêu hoá thức ăn
- Với những trường hợp bị trào ngược dạ dày cần thực hiện chế độ ăn low carb để kiểm soát triệu chứng này. Khi cắt bớt lượng carb có thể làm giảm áp lực ảnh hưởng đến các vòng cơ dưới thực quản.
- Nhai thức ăn đúng cách giúp tiêu hoá thức ăn tốt ưu. Khi thức ăn được nhai đủ thời gian sẽ giúp cho quá trình tiêu hoá trở nên thuận lợi hơn và ngăn ngừa được những triệu chứng như buồn nôn, ợ nóng hoặc đầy hơi.
- Học cách quản lý cảm xúc, tránh các tác động gây căng thẳng khiến cho quá trình tạo enzyme tiêu hoá thức ăn kém dẫn đến tình trạng đầy hơi.
Tóm lại, acid trong dạ dày sẽ giúp chuyển hóa thức ăn ở dạ dày và ruột. Tình trạng thiếu axit dạ dày sẽ khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn, gây ra các triệu chứng đầy hơi, trào ngược hoặc hôi miệng… Vì vậy bạn cần xác định rõ nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu dịch vị dạ dày thì mới có thể cải thiện các triệu chứng.